Cụ thể, theo dự báo của Falmi, năm 2023, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế trên địa bàn TPHCM có nhu cầu tuyển dụng 280.000-320.000 chỗ làm việc (tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế).
Trong đó, nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 57,69%. Ngành thương mại cần nhiều lao động nhất, chiếm 15,22% tổng nhu cầu lao động. Nhu cầu của ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng – hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu chiếm 4,5%.
Ngành du lịch chiếm 5,66% tổng nhu cầu lao động. Nhu cầu của ngành bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông chiếm 5,45%. Ngành tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm chiếm 5,93% tổng nhu cầu lao động.
Ngành kinh doanh tài sản – bất động sản chiếm 5,91% tổng nhu cầu lao động. Ngành dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học – công nghệ chiếm 5,3%. Nhu cầu của ngành giáo dục và đào tạo là 4,79%. Ngành y tế chiếm 4,93% tổng nhu cầu lao động.
Ngành thương mại cần nhiều lao động nhất, chiếm 15,22% tổng nhu cầu lao động của TPHCM (Ảnh minh họa: Ip Thiên).
Ngoài ra, nhu cầu của các doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu cũng chiếm 20,3% tổng nhu cầu lao động trong năm 2023 của toàn thành phố. Trong đó, ngành cơ khí chiếm 4,91%; điện tử – công nghệ thông tin chiếm 6,99%; chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 3,78%, hóa dược – cao su chiếm 4,62%.
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội TPHCM năm 2022 của Cục Thống kê TPHCM, giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 58,7% trong GRDP và chiếm 91,7% trong khu vực dịch vụ.
Trong đó, có 3/9 ngành dịch vụ chủ yếu có mức tăng trưởng cao hơn 9% so với cùng kỳ gồm: Thương nghiệp tăng 10,47%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 47,05% và thông tin truyền thông tăng 9,13%.
Trên cơ sở kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Cục Thống kê TPHCM, Falmi dự báo thị trường lao động diễn biến theo 2 kịch bản tùy thuộc vào diễn biến của nền kinh tế.
Kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn có chiều hướng chậm lại, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo cũng chững trong ngắn hạn, khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn, dự kiến sẽ bù đắp phần chững lại từ bên ngoài.
Với kịch bản này, dự kiến nhu cầu nhân lực tăng thêm trong năm 2023 của TPHCM là khoảng 280.000 – 300.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 72.000 – 79.000 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 66.000 – 72.500 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 67.500 – 73.000 chỗ làm việc; quý IV cần khoảng 74.500 – 75.500 chỗ làm việc.
Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế toàn cầu diễn biến theo chiều hướng tích cực, doanh nghiệp tại thành phố có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất; nhu cầu lao động tăng, tạo điều kiện ổn định thu nhập cho người lao động.
Với kịch bản này, dự kiến nhu cầu nhân lực cần thu hút thêm của TPHCM năm 2023 là khoảng 300.000 – 320.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 79.000 – 87.000 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 72.500 – 75.500 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 73.000 – 76.000 chỗ làm việc; quý IV cần khoảng 75.500 – 81.500 chỗ làm việc.