IMF: Lãi suất tăng có thể làm loạn giá nhà tại châu Âu

IMF: Lãi suất tăng có thể làm loạn giá nhà tại châu Âu

Tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về việc giá nhà tại châu Âu có thể thay đổi “không theo trật tự” trong bối cảnh châu lục này đang phải vật lộn để giảm lạm phát.

https://image.cnbcfm.com/api/v1/image/107232189-1682613930351-gettyimages-170744106-SWEDEN_HOUSING.jpeg?v=1682661670

Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế châu Âu, IMF cho biết một số thị trường nhà ở trong khu vực đã bắt đầu giảm giá, nhưng tốc độ giảm có thể nhanh hơn nữa khi các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất.

“Nguy cơ hỗn loạn giá nhà có thể xảy ra ngay cả khi châu Âu tránh được tình trạng tài chính kiệt quệ. Một số quốc gia tại đây đã chứng kiến thị trường nhà ở tự điều chỉnh, chẳng hạn như ở Cộng hòa Séc, Đan Mạch hay Thụy Điển, nơi giá nhà giảm hơn 6% vào năm 2022”, IMF cho biết.

“Tốc độ giảm giá sẽ nhanh hơn nếu thị trường định giá tiếp tục rủi ro lạm phát và điều kiện tài chính thắt chặt hơn dự kiến. Những đợt giảm giá này sẽ có tác động bất lợi đến bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình và ngân hàng”.

Các khoản thanh toán thế chấp cũng có thể tăng lên khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để giảm mức lạm phát. Do đó, những người vay thế chấp sẽ còn lại ít tiền hơn cho việc tiêu dùng, một số trường hợp thậm chí không thể hoàn trả các khoản vay tín dụng. Các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi các khoản nợ xấu và nợ khó đòi tăng lên.

“Các mô hình nghiên cứu về giá nhà gắn với các động lực tăng trưởng cơ bản cho thấy, nhà ở hiện đang được định giá quá cao so với giá trị thực, từ 15% đến 20%, ở hầu hết các nước châu Âu. Do đó, khi lãi suất thế chấp vẫn tăng và thu nhập thực tế bị ảnh hưởng bởi lạm phát, giá nhà đã giảm ở nhiều thị trường”, IMF cho biết.

Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy giá nhà đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2015. Trên toàn Liên minh châu Âu, giá nhà giảm 1,5% trong Q4/2022 so với khoảng thời gian ba tháng trước đó.

“Giá nhà đang giảm ở khắp mọi nơi, không chỉ ở các quốc gia có tỷ lệ nợ cao. Các quốc gia cần giám sát chặt chẽ để giải quyết tình hình này”, Alfred Kammer, Giám đốc bộ phận châu Âu của IMF, cho biết.

IMF dự kiến ​​lạm phát chung tại khu vực đồng Euro sẽ ở mức trung bình 5,3% trong năm nay và 2,9% vào năm tới, cao hơn mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

“ECB cần tăng lãi suất tương đối sớm và duy trì lãi suất đó ít nhất là cho đến giữa năm 2024. Chúng tôi kỳ vọng sẽ giảm mức lạm phát về 2% trong năm 2025”, ông Kammer nói.

ECB bắt đầu nâng lãi suất từ tháng 07/2022, từ -0,5% lên 0%. Lãi suất của ECB hiện ở mức 3%.

Lạm phát tại EU đã giảm còn 6,9% trong tháng 3 từ mức 8,5% vào tháng trước đó. Lạm phát cơ bản, loại trừ chi phí năng lượng và lương thực, chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ.

“Cần phải thắt chặt hơn nữa và khi đã đạt đến mức “lãi suất tối đa” (terminal rate), thì cần duy trì mức lãi suất này lâu hơn vì lạm phát cơ bản sẽ cao và rất dai dẳng. Không có gì tệ hơn việc tạm dừng nỗ lực chống lạm phát quá sớm hoặc từ bỏ quá sớm vì nếu cần làm lại điều này lần thứ hai, chi phí mà nền kinh tế phải gánh chịu sẽ lớn hơn rất nhiều”, ông Kammer nói.

Tại Thụy Điển, nơi giá nhà đã giảm đáng kể trong năm ngoái, các dự báo về lạm phát cũng chỉ ra nhiều khả năng ngân hàng trung ương của quốc gia này có thể tăng lãi suất. Lạm phát chung được dự báo ở mức 6,8% trong năm nay và 2,3% trong năm tới, theo số liệu mới nhất của IMF.

Bức tranh tương tự đang diễn ra ở Vương quốc Anh với lạm phát chung được dự báo sẽ đạt 6,8% trong năm nay và 3% vào năm 2023.

Trong bối cảnh này, IMF cho rằng các ngân hàng trung ương không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến hành các đợt tăng lãi suất tiếp theo.

Cơ quan này cho biết: “Lạm phát cao và có khả năng dai dẳng hơn sẽ đòi hỏi chính sách tiền tệ phải thắt chặt hơn cho đến khi lạm phát cơ bản về mức mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đặt ra”.