Nhân sự công nghệ Việt trước làn sóng sa thải trên thế giới

Nhân sự công nghệ Việt trước làn sóng sa thải trên thế giới

Nhân sự công nghệ Việt trước làn sóng sa thải trên thế giới

(Dân trí) – Thời điểm từ cuối năm 2022 đến nay là khoảng thời gian khó quên của nhiều nhân sự ngành công nghệ trên thế giới khi làn sóng sa thải (layoff) quét qua. Dù chịu tác động nhỏ, song thị trường nhân sự lĩnh vực này tại Việt Nam lại diễn ra khá sôi nổi, tính cạnh tranh cao.

Bất ngờ bị “layoff”

Dịch Covid-19, các công ty công nghệ lớn đã hưởng lợi “khủng” từ sự bùng bổ chi tiêu trực tuyến và làm việc từ xa. Nhưng năm 2023, nhiều doanh nghiệp trong số này báo cáo tốc độ tăng trưởng đáng thất vọng. Lãnh đạo của các công ty công nghệ cho rằng, họ mở rộng quá nhanh và đang phải tìm cách cắt giảm chi phí, trong bối cảnh tình hình kinh tế nhiều rủi ro.

Trong tháng 1, hàng loạt “gã khổng lồ” công nghệ lần lượt thông báo cắt giảm hàng chục nghìn nhân sự. Như Alphabet – công ty mẹ của Google thông báo sẽ sa thải 12.000 nhân viên, tương đương 6% lực lượng lao động trên toàn cầu. 11.000 nhân viên của Meta – công ty mẹ của Facebook cũng bị sa thải. Microsoft, Amazon và IBM sa thải tổng cộng hàng chục nghìn nhân viên.

Các công ty công nghệ khác ở châu Á cũng không miễn nhiễm với làn sóng này. GoTo Group (Indonesia), Carousell, Foodpanda (Singapore), Kakao và Naver (Hàn Quốc) đã cắt giảm mạnh nhân sự trong vài tháng qua.

Theo các kỹ sư công nghệ thông tin (IT), tại Việt Nam, các công ty về công nghệ phần nhiều là gia công phần mềm (outsourcing). Chính vì vậy, khi các công ty công nghệ trên thế giới “gặp chuyện” thì nhiều doanh nghiệp trong nước cũng bị tác động ít nhiều.

Đầu tháng 3, anh V.D.T. (30 tuổi, ở Bắc Ninh), kỹ sư IT vừa rơi vào cảnh mất việc. Đây là điều khá bất ngờ với anh. Bởi, anh T. đã có 3 năm gắn bó với một công ty thương mại điện tử có tiếng tại Việt Nam.

Bước sang năm 2023, nhiều doanh nghiệp trong nước chịu tác động khủng hoảng kinh tế thế giới. Buộc họ phải tái cơ cấu, co cụm một số bộ phận. Và chính bộ phận của anh T. cũng bị cắt giảm lao động.

Theo kỹ sư IT này, những năm trước đây, ngành công nghệ thông tin được mệnh danh là “ông hoàng” so với nhiều ngành nghề. Luôn “khát” nhân sự và hút người với mặt bằng thu nhập cao hơn nhiều mức lương trung bình.

Nhân sự công nghệ Việt trước làn sóng sa thải trên thế giới - 4

Việc cắt giảm nhân sự được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong ngành công nghệ tại Đông Nam Á (Ảnh: SHUTTERSTOCK).

Sau khi nghỉ việc, anh T. tiếp tục ứng tuyển vào một công ty về công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. Qua nắm bắt, anh nhận thấy rất nhiều bạn bè của mình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, thậm chí nhiều người trải qua 2 tháng tìm việc mà vẫn chưa thấy “bến đỗ”.

Nếu trước đây sau phỏng vấn, anh T. luôn được nhận vào làm việc rất nhanh thì nay mỗi vị trí tuyển dụng đều có nhiều ứng viên cạnh tranh. “Qua hành trình đi xin việc của mình, tôi gặp nhiều người cùng cảnh ngộ bị tinh giản như mình và xin việc cũng chịu cạnh tranh cao hơn. Dù vậy, cơ hội việc làm với nhân lực ngành này luôn rộng mở nếu bạn có năng lực”, anh T. chia sẻ.

Tìm lao động IT chất lượng như đãi cát tìm vàng

Qua quan sát, Navigos Group – tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam nhận xét, giai đoạn đại dịch Covid-19, các công ty thương mại điện tử phát triển nóng. Nhu cầu về nhân lực công nghệ rất cao trong giai đoạn này. Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 2022, Navigos Group đã nhận định sẽ có sự sa thải nhân sự khi khối lượng tuyển dụng khổng lồ trước đó khiến số lượng kỹ sư công nghệ trở nên quá nhiều.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm, đơn vị này không ghi nhận dấu hiệu sa thải của các công ty, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. 

Đánh giá về nhu cầu nhân sự IT của các doanh nghiệp hiện nay, theo Navigos Group, các ngành tại Việt Nam đều cần áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nên vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân viên công nghệ. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng đang chuẩn bị bộ máy về R&D (nhân viên nghiên cứu và phát triển – PV) cho mảng công nghệ.

Nhân sự công nghệ Việt trước làn sóng sa thải trên thế giới - 5

Chị Phạm Ngọc Anh.

Với kinh nghiệm 6 năm trong nghề, hiện tại, chị Phạm Ngọc Anh đang làm việc tại một công ty công nghệ của Pháp có văn phòng ở Hà Nội, Việt Nam, chia sẻ, nguồn nhân lực ngành IT đến thời điểm hiện tại khá dồi dào nhưng để kiếm tìm nhân sự chất lượng tốt, nhiều năm kinh nghiệm, ngoại ngữ tốt thì như đãi cát tìm vàng.

“Vài năm trở lại trước, ngành IT có thể được gọi là sôi động nhất thị trường việc làm với nhiều cơ hội việc làm có mức thu nhập siêu khủng. Song từ quý IV năm ngoái đến nay, theo chân làn sóng sa thải (layoff) của các ông lớn hàng đầu về công nghệ như Amazon, Meta,… cũng ít nhiều tác động đến thị trường gia công phần mềm Việt Nam”, bà Ngọc Anh nhận định.

Việc gia công, làm thuê về công nghệ chiếm số lượng khá lớn trong các công ty tại Việt Nam. Vậy nên khi kinh tế có biến động thì nhu cầu có sự thay đổi. Công ty chị Ngọc Anh đang làm việc vẫn duy trì ổn định về nhân sự và có sự tăng trưởng trong thời gian này.

Tuy nhiên, trong giới “săn đầu người”, chị Ngọc Anh chia sẻ: “Có khá nhiều đơn vị trong nước có sắp xếp, kế hoạch cắt giảm nhân sự hoặc tái cơ cấu lại tổ chức để thích ứng với thị trường hiện tại”.

Tính cạnh tranh cao

Giám đốc Vận hành dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Nam (ManpowerGroup Việt Nam) Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, dưới tác động của làn sóng sa thải lao động công nghệ đang diễn ra tại các quốc gia phát triển, thị trường tuyển dụng Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng.

Song thực tế, ngành công nghệ có phạm vi rất rộng, là ngành liên quan đến nghiên cứu, phát triển và hoặc sự phân phối hàng hóa và dịch vụ dựa trên công nghệ. Lĩnh vực này còn gồm các ngành kinh doanh xoay quanh việc sản xuất thiết bị điện tử, chế tạo phần mềm, máy tính hoặc sản phẩm và dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin.

Nhân sự công nghệ Việt trước làn sóng sa thải trên thế giới - 6

Giám đốc Vận hành, Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Nam, ManpowerGroup Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn.

Theo ông Sơn, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, ngành nghề tại Việt Nam đang tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số sau đại dịch, trong khi đó nguồn nhân sự công nghệ chất lượng cao khan hiếm.

Do vậy, thị trường tuyển dụng lĩnh vực công nghệ trong nước trái ngược với thế giới đang diễn ra sôi nổi và cạnh tranh cao. ManpowerGroup VN vẫn đang nhận nhiều đơn hàng tuyển dụng nhân sự xây dựng bộ máy phát triển công nghệ thông tin.

“Tạm thời hiện tại, lao động công nghệ trong nước vẫn được trọng dụng và săn đón. Nhưng để tránh sự đào thải hoặc xu hướng tuyển dụng thay đổi trong tương lai diễn ra (mà hiện tại đã chứng kiến ở các quốc gia lớn trên thế giới), người lao động IT không chỉ cần liên tục trau dồi, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn phải bồi dưỡng cả những kỹ năng mềm (nhất là kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, giải quyết vấn đề, khả năng thích nghi…)”, ông Sơn nhận định.

Theo vị này, có như vậy, họ mới có được những cơ hội việc làm tốt, được trọng dụng lâu dài và giữ được việc làm cho bản thân khi thị trường thu hẹp nhu cầu tuyển dụng.

Nội dung: Lê Hoa

17/04/2023

17/04/2023