Apec Mandala Wynham, Thanh Long Bay… và loạt dự án chưa đủ điều kiện giao dịch tại Bình Thuận

Apec Mandala Wynham, Thanh Long Bay… và loạt dự án chưa đủ điều kiện giao dịch tại Bình Thuận

Bất ngờ với danh sách 33 dự án nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng chưa đủ điều kiện giao dịch tại Bình Thuận; Cổ phiếu loạt “ông lớn” xây dựng, bất động sản bị cắt margin; LDG nói gì về 680 biệt thự, nhà liền kề xây “lụi” ở Đồng Nai; Lập Tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland… là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Bất ngờ với danh sách 33 dự án nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng chưa đủ điều kiện giao dịch tại Bình Thuận

Tân Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận Phan Dương Cường vừa ký văn bản gửi 32 chủ đầu tư kinh doanh bất động sản chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh. Trong danh sách 33 dự án nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng chưa đủ điều kiện giao dịch có nhiều cái tên quen thuộc với thị trường như Queen Pearl 2, Casalavanda, Apec Mandala Wynham, Thanh Long Bay, Delagi,…

Một số chủ đầu tư và đơn vị môi giới đăng tải thông tin các dự án kinh doanh bất động sản không đúng với tính chất, mục tiêu, quy mô của dự án đã được chấp thuận đầu tư, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa b àn tỉnh, có khả năng gây mất an ninh trật tự và có nguy cơ trở thành điểm nóng về tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cổ phiếu loạt “ông lớn” xây dựng, bất động sản bị cắt margin

Hầu hết nguyên nhân là do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Đáng chú ý, trong danh sách này có một số “ông lớn” như NVL của Novaland, HPX của Hải Phát Invest, HBC của Xây dựng Hoà Bình, IBC của Apax Holdings, VJC của Vietjet Air,… Theo HoSE, HBC của Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình và NVL của Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) bị cắt margin vì chậm công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn công bố thông tin.

Vị trí, quy mô của sân bay Hớn Quản ở Bình Phước

Dự án sân bay chuyên dùng Hớn Quản được đánh giá có vai trò quan trọng đối với tỉnh Bình Phước, là đòn bẩy giúp địa phương phát triển kinh tế – xã hội khi đưa vào hoạt động. Dự án được cả Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải ủng hộ triển khai.

Trong cuộc họp vừa diễn ra, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc triển khai lập quy hoạch vị trí sân bay chuyên dùng Hớn Quản. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước hoàn chỉnh các nội dung, đảm bảo tiến độ của công tác lập quy hoạch dự án sân bay chuyên dùng Hớn Quản.

Theo dự thảo quy hoạch, sân bay chuyên dùng Hớn Quản có diện tích gần 350 ha đặt tại xã Tân Lợi (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), với quy mô tổng thể gồm khu bay và các hạng mục công trình phụ trợ kèm theo.

Lập Tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác làm việc với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của Tập đoàn Novaland theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Phó thủ tướng trước ngày 15/4.

Liên quan đến các dự án của Tập đoàn Novaland, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn báo cáo và kiến nghị số 2044 ngày 10/3. Trong tháng 3 và tháng 4, Tập đoàn Novaland cũng có liên tiếp 3 công văn kiến nghị giải quyết các vướng mắc.

Đề xuất siết chặt việc đặt cọc đất nền hình thành trong tương lai

Theo HoREA, điểm d khoản 4 Điều 24 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định chỉ được nhận tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này là quy định không cần thiết.

Bởi vì nếu là dự án nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, có nghĩa là đã giao kết hợp đồng. Chủ đầu tư đã có quyền thu khoản thanh toán lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng, thì việc đặt cọc để bảo đảm thực hiện hợp đồng hầu như rất ít khi xảy ra rủi ro và hoàn toàn có thể được điều chỉnh theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.

LDG nói gì về 680 biệt thự, nhà liền kề xây “lụi” ở Đồng Nai?

Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán LDG) vừa thông tin phản hồi về việc UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kết luận Thanh tra dự án Khu dân cư Tân Thịnh (Viva Park) tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom do doanh nghiệp làm chủ đầu tư.

Theo đó, về mặt quản lý hành chính, kết luận thanh tra đề cập 20 cá nhân và 13 tổ chức có nhiều sai sót, thiếu trách nhiệm trong quá trình giải quyết thủ tục, xử lý hồ sơ và sẽ xử lý về mặt quy định của Nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, kết luận nêu rõ các vi phạm hành chính của doanh nghiệp, bao gồm xây dựng khi chưa hoàn thành các thủ tục xin phép về hạ tầng, chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ thiết kế xây dựng, thiếu các hồ sơ liên quan đến hoạt động xây dựng hạ tầng, vi phạm hành chính trong quá trình khai thác và sử dụng đất đai.