Tây Ban NhaKhi Anabel Segura bị bắt cóc, cảnh sát tìm kiếm trong hơn hai năm mà không biết rằng cô đã bị sát hại ngay hôm đó, nhưng kẻ bắt cóc vẫn liên tục gọi điện đòi tiền chuộc.
Anabel Segura, 22 tuổi, sống cùng bố mẹ ở La Moraleja, khu dân cư giàu có tại thành phố Madrid. Bố Anabel là ông José Segura Nájera, giám đốc điều hành cấp cao của doanh nghiệp hóa dầu. Chiều 12/4/1993, Anabel rời nhà chạy bộ quanh khu phố và không bao giờ trở về.
Cô mặc bộ đồ thể thao và mang theo máy nghe nhạc Walkman. Bất thình lình, Emilio Muñoz Guadix và Candido Ortiz Aon điều khiển xe van màu trắng lao tới và khống chế Anabel bằng dao. Cô chống cự, làm rơi áo hoodie và chiếc Walkman khi vật lộn, nhưng vẫn bị đưa lên xe và lái đi.
Một người gác cổng ở trường học gần đó là nhân chứng của vụ bắt cóc, nhưng không thể nhìn ra biển số xe vì không đeo kính. Ông lập tức gọi cảnh sát. Tại địa điểm nhân chứng mô tả, nhà chức trách tìm thấy máy nghe nhạc và áo thuộc về nạn nhân.
Anabel Segura. Ảnh: Netflix
14 cuộc gọi đòi tiền chuộc
Emilio là tài xế giao hàng cho một công ty bưu kiện, chuyển từ Vallecas, Madrid đến khu đô thị Pantoja ở tỉnh Toledo cùng vợ và các con. Anh ta đang gặp khó khăn về tài chính sau khi mua nhà. Để có tiền trang trải, Emilio rủ bạn thời thơ ấu là Candido, thợ sửa ống nước, cùng thực hiện một vụ bắt cóc ở khu nhà giàu và chọn mục tiêu hoàn toàn ngẫu nhiên.
Sau khi bị bắt cóc, Anabel sợ hãi cho rằng họ đang cố cưỡng hiếp cô. Emilio nói: “Không, đừng lo. Chúng tôi không phải loại người như vậy. Chúng tôi đang bắt cóc. Chúng tôi muốn tiền”.
Từ tháng 4 đến tháng 9/1993, hai kẻ bắt cóc đã liên lạc với gia đình Anabel 14 lần để đòi tiền chuộc. Ban đầu, họ nhất quyết muốn nói chuyện trực tiếp với ông José và sẽ cúp máy nếu ông không có mặt, nhưng sau đó họ liên lạc thông qua Rafael Escuredo Rodríguez, người bạn thân của gia đình nhận là luật sư và người trung gian cho họ.
Trong cuộc gọi đầu tiên, Emilio và Candido chỉ đạo Rafael chuyển lời nhắn cho ông José: “Hãy nói với ông ấy rằng chúng tôi đã bắt cóc con gái ông ấy nhưng cô ấy vẫn ổn. Cô ấy không cần gì cả, nhưng sự an toàn của cô ấy phụ thuộc vào ông – vào tất cả các người”.
Ngày 14/4, hai ngày sau vụ bắt cóc, bộ đôi đòi 150 triệu peseta (khoảng 945.000 USD), yêu cầu gia đình bỏ tiền vào túi thể thao và chờ chỉ dẫn.
“Nếu không làm như chúng tôi nói hoặc nếu chúng tôi phát hiện các người đã báo cảnh sát, cô ấy sẽ phải chịu đau khổ đấy”, những kẻ bắt cóc đe dọa.
Trong nỗ lực tuyệt vọng, bố mẹ Anabel vay mượn khắp nơi để gom tiền. Sau khi có đủ số tiền theo yêu cầu, gia đình và cảnh sát chìm nhiều lần cố gắng gặp kẻ bắt cóc để chuộc Anabel, đến địa điểm được chỉ dẫn, nhưng bộ đôi không bao giờ xuất hiện.
Trong hai năm rưỡi tiếp theo, cảnh sát nỗ lực truy tìm những kẻ bắt cóc trong khi gia đình Anabel tìm mọi cách để đảm bảo con gái được thả ra. Ông José đã thế chấp nhà, đề nghị trả 15 triệu peseta cho bất kỳ ai có thể cung cấp manh mối hoặc bằng chứng và thuê các công ty tư nhân để điều tra vụ mất tích của Anabel.
Đoạn băng ghi âm phá vỡ bế tắc
Vụ bắt cóc Anabel thu hút sự chú ý theo dõi của cả đất nước Tây Ban Nha suốt 900 ngày, cho đến khi thi thể cô được tìm thấy vào tháng 9/1995.
Những kẻ bắt cóc giả vờ Anabel còn sống gần ba năm nhằm mục đích moi tiền gia đình cô, nhưng thực tế, cô đã bị sát hại chỉ sáu tiếng sau khi bị bắt.
Emilio và Candido yêu cầu Anabel tiết lộ thông tin cha mẹ để liên hệ đòi tiền chuộc. Khi nhận ra không có địa điểm thích hợp để giữ cô làm con tin, bộ đôi lái xe vòng vòng không mục đích, cố gắng lập kế hoạch. Trong thời gian này, Anabel cố gắng trốn thoát bằng cách nhảy ra khỏi xe, nhưng bị bắt lại.
Cuối cùng, bộ đôi đưa Anabel đến một nhà máy gạch bỏ hoang ở Numancia de la Sagra (Toledo), cách Madrid một giờ lái xe. Tại đây, họ bắt đầu tranh cãi trước mặt cô và lo sợ nguy cơ cô biết kế hoạch cũng như biển số xe của họ.
Sau khi nắm được thông tin cần thiết để đòi tiền chuộc, Emilio và Candido quyết định siết cổ nạn nhân đến chết vào lúc 21h30, chôn xác gần đó.
Ba tháng sau khi Anabel bị bắt cóc, bộ đôi gửi cho gia đình cô một đoạn băng ghi lại giọng một phụ nữ nói rằng cô “vẫn ổn” và khóc xin được đưa về nhà – nhưng thực ra đó là giọng của vợ Emilio, Felisa Garcia.
Năm 1995, lần đầu tiên ở Tây Ban Nha, cảnh sát quyết định công khai đoạn ghi âm với hy vọng nhận được sự trợ giúp từ cộng đồng để xác định danh tính những người cất tiếng trong đoạn băng. Sau khi nghe trên tivi, một khán giả đã nhận ra “Đó là giọng của Candido, thợ sửa ống nước ở thị trấn của tôi”, giúp cảnh sát vạch trần tội ác.
Ngày 28/9/1995, cảnh sát bắt giữ Candido, Emilio và Felisa. Đang trên đường đi sửa ống nước thì bị bắt, Candido được cho là đã nói với cơ quan thực thi pháp luật: “Tôi biết điều này sẽ xảy ra, dù các anh có tin hay không, tôi đã hy vọng mình bị bắt. Tôi không thể sống như thế này”.
Candido tiết lộ rằng họ đã giết Anabel và chôn thi thể nhưng từ chối tiết lộ địa điểm. Hai ngày sau, 30/9/1995, thi thể Anabel được tìm thấy tại nhà kho bỏ hoang ở Numancia de la Sagra, 900 ngày sau khi cô mất tích.
Emilio Muñoz Guadix bị cảnh sát áp giải ra tòa. Ảnh: Netflix
Emilio và Candido bị kết án 39 năm tù. Sau nhiều lần kháng cáo, Tòa án Tối cao đã nâng mức án của họ lên 43 năm. Họ bị buộc tội với các tình tiết tăng nặng là giam giữ trái phép và âm mưu lừa đảo.
Felisa bị kết án sáu tháng tù vì che đậy vụ bắt cóc và mạo danh nạn nhân. Mức án sau đó được tăng lên 28 tháng.
Năm 2009, Candido chết vì một cơn đau tim ở tuổi 48 khi thụ án được 10 năm. Trong khi đó, sự thay đổi trong phán quyết pháp lý đã khiến Emilio được trả tự do vào tháng 11/2013, chỉ phải thụ án 18 năm.
Sau khi được ra tù, Emilio chia sẻ với truyền thông rằng đã nói “rất xin lỗi” với gia đình Anabel, và nguyện mất 10 năm tuổi thọ để đổi lại tội ác “không xảy ra” – như lời anh ta nói trước tòa. Emilio giải thích rằng động cơ “hoàn toàn là vì tiền”.
Khi được hỏi có gặp bác sĩ trị liệu trong thời gian thụ án hay không, Emilio thừa nhận là không và nói thêm rằng anh ta không tin điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt. Emilio nói: “Nếu bạn muốn mình xấu xa thì bạn sẽ xấu xa, và ngược lại”.
Emilio nói rằng dù một số người có thể nghĩ khác nhưng anh ta không coi mình là “mối nguy hiểm” cho xã hội. “Tôi đã phạm một sai lầm nghiêm trọng mà tôi đã thừa nhận ngay từ giây phút đầu tiên. Tôi rất hối hận vì những gì đã xảy ra. Nhưng tôi đã trả bằng bản án của mình”, anh ta nói.
Tuệ Anh (Theo People, Independent)