Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ,… là những điểm đến hấp dẫn nhất với hơn 140.000 du học sinh Việt Nam, tính đến cuối năm ngoái.
Số liệu được Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, công bố tại hội thảo về công tác quản lý nhà nước với dịch vụ tư vấn du học, ngày 30/9.
Cơ quan này cho hay theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết năm 2023, tổng số học sinh, sinh viên Việt đang học tập ở nước ngoài là hơn 200.000. Số này tăng hơn 10.000 so với thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2020).
Hàn Quốc là điểm đến hàng đầu của du học sinh Việt. Theo Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc (KEDI), tính đến tháng 4/2023, số du học sinh người Việt tại nước này là hơn 43.300.
Tiếp đến là Nhật Bản với hơn 36.300 người, theo số liệu của tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO).
Ấn tượng nhất là Australia với gần 33.000 du học sinh đến từ Việt Nam, tăng hơn 46% so với năm 2022, thuộc top 5 về số sinh viên quốc tế tại nước này.
Mỹ cũng là lựa chọn của của nhiều du học sinh Việt. Theo Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE), trước khi dịch Covid-19 bùng phát, số du học sinh Việt tại đây lên tới hơn 37.200 người, đến cuối năm ngoái là khoảng 31.300.
Những cái tên còn lại trong top 7 là Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Canada.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam là một trong những nước có số lượng du học sinh đông và không ngừng gia tăng. Đây không chỉ là cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu với người học mà còn đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Phần lớn sinh viên Việt Nam đi nước ngoài thông qua dịch vụ của các trung tâm tư vấn du học. Nhu cầu tăng nên dịch vụ tư vấn ngày càng phát triển. Cục Hợp tác quốc tế cho biết có hơn 2.800 đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực này, tập trung nhiều ở Hà Nội và TP HCM.
Ông Phúc cho rằng công tác quản lý và kiểm soát chất lượng các đơn vị tư vấn du học còn nhiều thách thức. Thời gian qua đã xuất hiện một số văn phòng tư vấn du học “ma”, một số cung cấp thông tin sai lệch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật như du học trá hình (đưa người ra nước ngoài trái phép)…
Ngoài các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan chức năng, Thứ trưởng Phúc mong các công ty tư vấn du học nâng cao trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, trung thực và khách quan trong tư vấn.
“Ngoài mục tiêu kinh doanh, dịch vụ tư vấn du học phải thể hiện trách nhiệm xã hội, bởi giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, liên quan tới tương lai con người”, ông nói.
Học sinh tìm hiểu thông tin du học Australia tại TP HCM, tháng 9. Ảnh: Hoài Thịnh
Lệ Nguyễn