6 thay đổi lớn về chính sách bảo hiểm xã hội sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025

6 thay đổi lớn về chính sách bảo hiểm xã hội sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025


Giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ảnh: TTXVN

Sáng nay 29/6 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội.

So với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều thay đổi theo hướng gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân.

1. Mở rộng đối tượng tham gia

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã thể chế cơ bản Nghị quyết số 28/NQ-TW, quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với 4 nhóm: Chủ hộ kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất; Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên…

Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ.

Việc bổ sung quy định trên đảm bảo phù hợp với những quy định của Bộ luật Lao động 2019, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia góp phần gia tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội.

2. Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung chương III về trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ) hoặc đối tượng là công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách Nhà nước đảm bảo.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đã có quy định trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội. Tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng bổ sung quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình. Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.

3. Giảm điều kiện được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần. Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, quy định mức tối đa là 75% đồng thời quy định việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25%.

4. Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.


Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng trợ cấp thai sản. Ảnh: Vietnam+

Kinh phí thực hiện trợ cấp này do Ngân sách nhà nước bảo đảm và Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

5. Sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Như vậy, đối với nhóm người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (từ 1/7/2025) sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần theo điều kiện này (chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hoặc đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS hoặc người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng).

6. Bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; quy định cụ thể hành vi chậm đóng, hành vi trốn đóng đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Luật mới quy định cụ thể biên pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội và trốn đóng bảo hiểm xã hội: bắt buộc đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng đối với hành vi trốn đóng còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thời gian qua thời gian qua, với vai trò cơ quan thuộc Chính phủ được giao tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội

Từ việc phân tích số liệu hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đến việc đánh giá công tác giải quyết, quản lý, chi trả cho người thụ hưởng, kết hợp phân tích, tổng hợp thực tiễn triển khai trên toàn quốc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cung cấp những căn cứ khoa học và thực tiễn làm cơ sở cho cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật.

Các ý kiến đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm tháo gỡ căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp xây dựng bổ sung một số quy định về mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng, tạo sự hấp dẫn, thu hút người lao động tích cực tham gia mới và tạo niềm tin ở lại hệ thống đối với người đang tham gia. Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, quyền, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan và nhiều quy định khác trong dự thảo luật bảo hiểm xã hội.

Theo vietnamplus.vn