5 ‘phi vụ’ khiến ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân phải ra tòa

5 ‘phi vụ’ khiến ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân phải ra tòa

Thái BìnhÔng Lưu Bình Nhưỡng bị cáo buộc lợi dụng tư cách đại biểu Quốc hội, Phó Ban Dân nguyện để trục lợi từ bảo kê giang hồ, can thiệp hoạt động tòa án, xin dự án cho doanh nghiệp…

Ngày mai, 7/1, ông Lưu Bình Nhưỡng, 62 tuổi, dự kiến bị TAND tỉnh Thái Bình xét xử về hai tội Cưỡng đoạt tài sản Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng vụ án, ông Lê Thanh Vân, 61 tuổi, cựu đại biểu Quốc hội, Uỷ viên thường trực Uỷ ban ngân sách Quốc hội và Nguyễn Văn Vương, 49 tuổi, cựu chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước, bị cáo buộc tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Hai “giang hồ” Phạm Minh Cường, 39 tuổi (Cường “Quắt”, có 3 tiền án) và “đàn em” Vũ Đăng Phương, 43 tuổi, bị truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản.

Ba bị cáo Vương, Cường và Phương đang chấp hành án trong các vụ án khác. Hai ông Nhưỡng và Vân bị bắt lần lượt tháng 11/2023 và tháng 7/2024, hiện bị tạm giam.

Theo VKSND tỉnh Thái Bình, sai phạm của các bị cáo diễn tra trong năm 2020-2023, liên quan đến 5 “phi vụ” tại các tỉnh thành Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Nội.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu Phó ban Dân nguyện UBTV Quốc hội bị khai trừ Đảng tháng 12/2023, một tháng sau khi bị bắt . Ảnh: Hoàng Phong

Ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu Phó ban Dân nguyện UBTV Quốc hội, bị khai trừ Đảng tháng 12/2023, một tháng sau khi bị bắt. Ảnh: Hoàng Phong

Bảo kê ‘giang hồ’

Công ty Sao Đỏ được tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy từ năm 2016 đến 2023.

Năm 2016, nhóm Phương và Cường lấn chiếm, cắm cọc và khai thác 180 ha bãi triều, phần lớn trùng với mỏ cát Công ty Sao Đỏ được cấp phép.

Cường cùng Phương cắm cọc vây và khẳng định khu vực thuộc quyền quản lý, “mục đích để ép Sao Đỏ phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác”, cáo trạng nêu.

Năm 2020, nhân viên Sao Đỏ gặp Cường thỏa thuận trả tiền một lần để Cường trả mặt bằng cho công ty đi vào mỏ khai thác. Cường không đồng ý, yêu cầu phải “cắt phế” 1.500 đồng/m3 cát, tương đương một triệu đồng một tàu.

Do phần bãi triều Cường nhận giáp cửa sông là lối đi duy nhất để tàu thuyền vào khai thác và vận chuyển cát, Sao Đỏ phải chấp nhận.

Cường, Phương ký hợp đồng làm bảo vệ cho công ty song cơ quan công tố xác định đây chỉ là thủ đoạn che giấu hành vi cưỡng đoạt tài sản, hợp thức hóa việc Cường “cắt phế” khai thác cát.

Cường trả lương tháng 10-12 triệu đồng để hằng ngày Phương ra đếm tàu của Sao Đỏ để Cường quy ra tiền. Ba tháng cuối năm 2020, Sao Đỏ phải nộp cho Cường 3,3 tỷ đồng.

Quá trình khai thác, nhóm Cường có mâu thuẫn, nhiều lần xô xát với nhóm “giang hồ” quản lý bãi triều đối diện. Công ty Sao Đỏ thấy không an toàn nên dừng khai thác.

Theo cáo buộc của VKSND tỉnh Thái Bình, Cường mất nguồn thu nên nhờ vả ông Lưu Bình Nhưỡng, khi đó là Đại biểu Quốc hội khóa XIV – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cường kể lại phi vụ “cắt phế”, nhờ ông Nhưỡng can thiệp Công an tỉnh Thái Bình tạo điều kiện để tiếp tục việc “làm ăn”. Ông Nhưỡng nói sẽ điện thoại cho Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình để giúp, nhưng chưa gọi ngay.

Cường quắt (áp trắng) khi bị công an tinh Thái Bình bắt trong vụ án khác, năm 2022. Ảnh: Công an tỉnh Thái Bình

Cường “Quắt” (áo trắng) khi bị Công an tỉnh Thái Bình bắt trong vụ án khác, năm 2022. Ảnh: Công an tỉnh Thái Bình

Để ông Nhưỡng giúp, Cường rủ vợ chồng ông này đầu tư mua bãi triều cắm cọc trái phép. Cường đưa ông Nhưỡng và một số người bạn, trong đó có ông Lê Thanh Vân ra xem các bãi triều mình “quản lý”, rủ mua chung.

Cuối tháng 7/2021, vợ chồng ông Nhưỡng đồng ý mua 30 ha bãi triều cắm trái phép, thuộc phần Cường lấn chiếm từ trước với giá 900 triệu đồng. Khu này chưa có công ty nào khai thác để Cường “cắt phế”, do đang nhờ vả ông Nhưỡng, hằng tháng Cường vẫn muốn đưa vợ ông Nhưỡng khoảng 80 triệu đồng. Nhưng vợ ông Nhưỡng chưa cầm do muốn tích tiền mua thêm đất cạnh đó, cáo trạng nêu.

Đầu tháng 9/2021, ông Nhưỡng gọi điện cho một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình, nhờ giải quyết, xử lý giúp nhóm “giang hồ” đối thủ của Cường. Ông nói Cường là cháu, nhờ tạo điều kiện.

Ông Nhưỡng ghi âm nội dung cuộc gọi này gửi cho Cường và Cường lại khoe với đàn em, rồi đến tai đối thủ.

Ông Nhưỡng đưa Cường đi cùng đến Đồn Biên phòng, gặp chính quyền xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy. Biết tin Cường có bị can Nhưỡng giúp đỡ, đối thủ sợ bỏ đi nơi khác làm ăn, cáo trạng nêu.

Công ty Sao Đỏ sau đó tiếp tục khai thác cát và nộp phế cho Cường. Tháng 4/2022, Cường bị bắt vì Gây rối trật tự công cộng. Phương ở nhà tiếp tục ra đếm tàu, thu “tiền phế” thêm 3 tháng. Tổng cộng, Công ty nộp cho nhóm Cường hơn 4,9 tỷ đồng, đã được vợ anh ta trả lại trong quá trình điều tra.

Theo cơ quan điều tra, vợ ông Nhưỡng “không biết” việc chồng cùng Cường “quắt” thực hiện hành vi trái pháp luật nên bà không bị xử lý.

Can thiệp tòa án ‘xét xử theo hướng có lợi’

Ông Nhưỡng bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp vào vụ kiện tranh chấp đất ở TAND huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Trong vụ này, bị đơn tên Thao, thua kiện, bị buộc trả lại nhà đất cho nguyên đơn.

Anh Thao đang làm thuê cho bị can Cường, biết ông chủ có quan hệ với ông Nhưỡng nên nhờ tác động theo hướng có lợi cho phiên phúc thẩm.

Nếu giữ lại được mảnh đất, anh Thao nói sẽ cắt 100 m2 đất đem bán để cảm ơn. Sau khi được Cường truyền đạt, ông Nhưỡng đồng ý, bảo anh Thao viết đơn, nhưng chưa giúp ngay.

Tháng 11/2020, khi ông Nhưỡng đang xây lại nhà thờ gia đình, Cường xuống chơi, hứa tặng bộ cửa gỗ đẹp. Cáo trạng thể hiện, tháng 12 cùng năm, lấy tư cách Đại biểu Quốc hội, ông Nhưỡng ký văn bản kiến nghị Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng chỉ đạo xem xét giải quyết vụ việc của anh Thao.

Đọc lệnh bắt ông Lưu Bình Nhưỡng tại sân bay Nội Bài

Đọc lệnh bắt ông Lưu Bình Nhưỡng tại sân bay Nội Bài

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt khi vừa xuống máy bay, ngày 15/11/2023. Video:Công an Thái Bình

Đầu năm sau, nhóm Cường mang bộ cửa gỗ 75 triệu đồng đến lắp. Lúc này, cơ quan điều tra và tố tụng sau đó phản hồi kiến nghị của ông Nhưỡng về vụ việc, đều khẳng định đơn thư của anh Thao không có căn cứ.

Tháng 5/2021, ông Nhưỡng lần thứ hai gửi kiến nghị lên cơ quan tố tụng. Vụ kiện sau đó được xét xử phúc thẩm song vẫn giữ nguyên án sơ thẩm, buộc anh Thao trả đất. Ông Nhưỡng tiếp tục hướng dẫn anh này làm đơn thư đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng anh Thao thấy không có kết quả nên không làm theo.

Anh Thao không bị xử lý về tội Đưa hối lộ, do ông Nhưỡng không phải là người có thẩm quyền quyết định việc giải quyết vụ án dân sự trên, cáo trạng nêu.

Can thiệp ‘xin’ dự án cho doanh nghiệp

Năm 2020, hai doanh nhân tỉnh Bắc Ninh chung vốn đầu tư tại khu công nghiệp Quế Võ III, song thời gian chờ đợi phê duyệt kéo dài. Họ nhờ người quen kết nối và gặp ông Nhưỡng sáng 15/3/2021 tại phòng làm việc ông này ở Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hai doanh nhân viết đơn kêu cứu theo hướng dẫn của ông Nhưỡng để ông này chuyển đơn đến Văn phòng Chính phủ. Trong lúc viết phiếu chuyển đơn, ông Nhưỡng nói nhỏ với họ: “Xong việc đưa chủ ba trăm ngàn”, cáo trạng nêu.

Hai doanh nhân ngầm hiểu là 300.000 USD, ra khỏi phòng làm việc, cho rằng giá này “mặn” nên về bàn bạc thêm.

13 ngày sau, khi biết công ty đã được duyệt dự án nhưng lại có đơn thư, họ tiếp tục nhờ ông Nhưỡng can thiệp.

Ông Nhưỡng gọi điện và được một bộ trưởng có thẩm quyền nói rằng dự án đã được phê duyệt nên Bộ sẽ không trình thu hồi. Ông Nhưỡng nhắn tin báo cho hai doanh nhân Bắc Ninh biết và nhắc nhở về khoản 300.000 USD.

Chiều 29/3/2021, họ chuẩn bị đủ 300.000USD (7 tỷ đồng) để trong một túi vải màu đen mang đến nhà riêng đưa cho ông Nhưỡng. Người nhà ông đã nộp lại khoản tiền này trong quá trình điều tra.

Hai doanh nhân Bắc Ninh không bị truy cứu tội Đưa hối lộ, do ông Nhưỡng không phải người có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án, VKSND tỉnh Thái Bình nhận định.

Nâng đỡ dự án chậm tiến độ để được ‘tặng’ 1.500m2 đất

Năm 2016, Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hạ Long chậm tiến độ dự án khu dân cư dịch vụ tại thành phố Hạ Long (Dự án 36 ha), tỉnh Quảng Ninh quyết định chấm dứt đầu tư.

Do muốn được làm tiếp, vợ chồng ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Hạ Long kết nối để gặp bị can Vương, khi đó là Chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước để nhờ tác động.

Vương đồng ý giúp, ra giá 7 tỷ đồng, yêu cầu đưa trước 4 tỷ để “đi lại, quan hệ tác động”, VKS cáo buộc.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu tại nghị trường, tháng 6/2023. Ảnh:Media Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân phát biểu tại nghị trường, tháng 6/2023. Ảnh: Media Quốc hội

Sau khi nhận tiền, Vương hướng dẫn công ty làm đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh. Riêng đơn gửi ông Lưu Bình Nhưỡng, Vương tự cầm đến và nhờ can thiệp.

Theo cáo buộc của nhà chức trách, Vương sau đó tiếp tục đòi Công ty Hạ Long trích 10% đất Dự án 36 ha cho Vương và được giám đốc Hoan đồng ý. Vương hứa hẹn chia cho ông Nhưỡng 1.000 m2 trong số này. Để ông Nhưỡng “có động lực” giúp đỡ, Vương tặng ông này lô đất gần 500 m2 tại Đông Anh, Hà Nội (được định giá 1,8 tỷ đồng) cho con gái ông đứng tên.

Trước các văn bản kiến nghị của ông Nhưỡng, tỉnh Quảng Ninh không đồng ý cho Công ty Hạ Long tiếp tục làm dự án.

“Để tiếp tục tạo sức ép đến các cấp có thẩm quyền”, ông Nhưỡng bị cáo buộc giới thiệu Vương gặp ông Lê Thanh Vân. Ông Vân sau đó gửi 4 văn bản đến các cấp có thẩm quyền, kiến nghị để Công ty Hạ Long được làm tiếp dự án.

Vương cũng hứa tặng 1.000 m2 đất, đồng thời tặng ông Vân lô đất 400 m2 tại Đông Anh, Hà Nội (định giá 1,5 tỷ đồng) để con trai ông đứng tên.

Theo cơ quan tố tụng, với diện tích đất tại dự án, định giá 1,95 triệu đồng/m2, nếu “phi vụ” nhờ vả thành công, Vương sẽ hưởng diện tích đất trị giá 26 tỷ đồng, ông Nhưỡng và ông Vân mỗi người 1.000 m2, trị giá 1,95 tỷ đồng.

Trong vụ việc này, nhà chức trách không truy cứu trách nhiệm hình sự với vợ chồng giám đốc Công ty Hạ Long vì cho rằng “do không biết Vương nhờ vả can thiệp thế nào”.

Nhận quà để ‘xin’ dự án cho doanh nghiệp

Năm 2020, Công ty Trường Sinh xin tỉnh Quảng Ninh cấp phép làm dự án thăm dò khoáng sản đất đá tại đồi Bắc Sơn, thị xã Đông Triều nhưng sau 3 năm chưa có kết quả. Muốn nhanh được việc, chủ tịch HĐQT và Giám đốc công ty đến gặp ông Nhưỡng nhờ can thiệp, tác động lãnh đạo tỉnh này.

Ông Nhưỡng đồng ý và giới thiệu họ đến gặp bị can Vân “để cùng can thiệp, gây áp lực”, VKS cáo buộc.

Họ chia nhau, ông Nhưỡng gọi cho Phó Chủ tịch tỉnh, còn ông Vân gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thời điểm đó nhờ can thiệp, bật loa ngoài để ông Nhưỡng và hai doanh nhân cùng nghe.

Ông Nhưỡng được công ty biếu 210 triệu đồng, ông Vân 60 triệu đồng. Tháng 10/2023, Công ty Trường Sinh được tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác mỏ đất.

Hai doanh nhân không bị truy cứu Đưa hối lộ, do ông Vân, Nhưỡng không phải người có thẩm quyền quyết định cấp phép dự án, VKS nêu.

Quá trình điều tra cả 5 vụ việc, theo cơ quan công tố, ông Nhưỡng và ông Vân không thừa nhận “can thiệp, tác động” để hưởng lợi như cáo buộc. Hai ông cho rằng đều do người nhờ vả tự đưa, chứ “không đòi”.

Thanh Lam