35 năm sự kiện 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân hy sinh bảo vệ Gạc Ma

35 năm sự kiện 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân hy sinh bảo vệ Gạc Ma


Cựu chiến binh Lê Thành Phương (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cùng đoàn công tác số 10 thả hoa tri ân các Anh hùng Liệt sỹ tại Trường Sa năm 2022. Ảnh: TTXVN

Những ngày này, cả nước hướng về và bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân để bảo vệ từng tấc đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, bảo vệ chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhắc nhớ về lịch sử, về công ơn của những người con đã ngã xuống trong sự kiện này, chúng ta càng vững bước hơn hướng tới tương lai.

Bài 2: Những người lính Trường Sa hôm nay

Các chiến sỹ Gạc Ma đã nằm lại dưới lòng biển để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc và trở thành niềm tự hào về một lớp thế hệ trẻ Việt Nam đầy bản lĩnh, dũng cảm, kiên cường. 35 năm qua, nỗi đau, sự mất mát của các gia đình liệt sỹ luôn được xoa dịu bởi những ân tình của đồng chí, đồng đội; sự tri ân của các thế hệ hôm nay.

Những người lính từ Gạc Ma trở về với cuộc sống đời thường luôn tự hào là bộ đội Trường Sa và trao truyền lại tình yêu biển đảo Tổ quốc để lớp thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang…

Nối tiếp truyền thống anh hùng

Vượt lên những mất mát, hy sinh… thế hệ sau nối tiếp cha ông, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ra Trường Sa để bảo vệ biển đảo của đất nước, như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Tiếng hát xuân sang”: “Lớp cha trước lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành.” Sự nối tiếp không bao giờ ngừng nghỉ…

Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân (con trai của liệt sỹ Thượng úy Nguyễn Mậu Phong, Chỉ huy trưởng Khung giữ đảo Gạc Ma) hiện là trợ lý tham mưu tác chiến của Vùng 4 Hải quân. Nói về lý tưởng của mình, Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân cho biết anh rất tự hào về truyền thống của gia đình và từ nhỏ đã nung nấu ước mơ lớn lên sẽ trở thành một chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam để làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Năm 2007, hai anh em anh đều viết đơn tình nguyện ra đảo Trường Sa, nơi đơn vị bố từng công tác. Anh trai Nguyễn Mậu Trường cùng đồng đội đã đóng quân ở đảo Nam Yết rồi sau đó xuất ngũ. Nguyễn Tiến Xuân nỗ lực thi đậu vào Học viện Hải quân (tỉnh Khánh Hòa) và được phân công tác tại Vùng 4 Hải quân sau khi tốt nghiệp.

Trong 10 năm công tác ở Vùng 4 Hải quân, Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân làm nhiều nhiệm vụ, góp phần bảo vệ quần đảo Trường Sa. Mỗi lần đi qua vùng biển Cô Lin-Gạc Ma, anh luôn nghĩ về hình ảnh của bố và những đồng đội đã hy sinh. Càng xúc động, tự hào, anh càng tự hứa với bản thân ra sức cống hiến vì quê hương, vì Tổ quốc nhiều hơn nữa.


Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân (con trai của liệt sĩ Thượng úy Nguyễn Mậu Phong, Chỉ huy trưởng khung giữ đảo Gạc Ma) nối tiếp truyền thống và trở thành sĩ quan Hải quân. Ảnh: TTXVN

Hơn 20 năm sau ngày Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh trong cuộc đối đầu với địch để bảo vệ đảo Gạc Ma, con gái của anh lại tiếp nối cha mình, khoác lên bộ quân phục của người lính hải quân và viết tiếp truyền thống cách mạng hào hùng…

Chị Trần Thị Thủy (con gái liệt sỹ Trần Văn Phương) đang giữ cấp bậc Thượng úy và công tác tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân – nơi bố chị từng chiến đấu.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều lần chị ngấn lệ khi nhắc đến người cha liệt sỹ. Chị Thủy chỉ biết về bố qua lời kể của mẹ, đồng đội và sách báo vì bố hy sinh lúc chị còn quá nhỏ. Thế nhưng với chị, bố luôn là niềm tự hào, là động lực để chị bước tiếp và phấn đấu.

“Lựa chọn màu áo lính, nghĩa là sẽ thường xuyên đối mặt với gian lao, vất vả, luôn trong tư thế sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào Tổ quốc cần, mình phải làm sao cho xứng đáng với truyền thống của cha anh và các thế hệ đi trước đã dựng xây bằng xương máu,” Thượng úy Trần Thị Thủy luôn tâm niệm.

Giống như nhiều gia đình giàu truyền thống cách mạng khác trên khắp đất nước Việt Nam, các thế hệ trong gia đình của liệt sỹ Trần Văn Phương, liệt sỹ Thượng úy Nguyễn Mậu Phong… đã và đang cống hiến sức mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước và sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Mãi tự hào là bộ đội Trường Sa

Sau khi xuất ngũ về Bình Định, năm 2011, thương binh Lê Minh Thoa mở quán phở và lấy tên là “phở Trường Sa.” Sau này, ông đổi tên thành “phở Gạc Ma-Trường Sa.”

Cựu chiến binh Lê Minh Thoa tâm sự: “Tôi đặt tên như vậy với mong muốn mọi người nhớ đến đảo Gạc Ma. Không chỉ người dân ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, mà nhiều bạn trẻ biết tới qua báo chí, mạng xã hội, cũng tìm đến đây. Họ đến không chỉ để ăn tô phở, mà còn để nghe và tìm hiểu về Trường Sa, Gạc Ma. Mỗi lần như thế, tôi đều giải thích, kể lại câu chuyện mà tôi tự hào là một phần trong đó. Hình ảnh tàu HQ 604 và tinh thần dũng cảm của các chiến sỹ năm xưa được mọi người, nhất là các bạn trẻ rất khâm phục. Từ câu chuyện thực của đời mình, tôi cảm thấy vui vì đã truyền được ngọn lửa của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đến nhiều người.”

Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính Trường Sa luôn đau đáu, muốn giúp đỡ cho những con em đồng đội với phương châm: đồng đội không thể lãng quên nhau.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1966, trú tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) từng làm nhiệm vụ ở Quần đảo Trường Sa năm 1988. Mặc dù là thương binh hạng 2/4, nhưng ông vẫn làm kinh tế giỏi với thu nhập hằng năm khoảng 3 tỷ đồng. Qua đó, ông có điều kiện kinh tế để làm hành trang đi tìm và giúp đỡ đồng đội, con em, gia đình thân nhân các thương binh liệt sỹ, gia đình chính sách, khó khăn trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa. Cơ sở kinh doanh của gia đình thương binh Nguyễn Văn Dũng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 30 lao động.


Những đồng đội trong Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa Phú Yên xem lại giấy xuất ngũ của thương binh Trần Văn Hùng (thành phố Tuy Hòa). Ảnh: TTXVN

Hằng năm cứ đến ngày 14/3, thương binh hạng 2/4 Trần Văn Hùng (thành phố Tuy Hòa) cùng nhiều đồng đội trong Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa, tỉnh Phú Yên lại đến tận nhà, làm giỗ liệt sỹ Phan Tấn Dư (huyện Tây Hòa) và liệt sỹ Trương Văn Thịnh (thành phố Tuy Hòa) đã hy sinh ở Gạc Ma.

Thương binh Trần Văn Hùng chia sẻ: “Tôi mong nhiều lắm, cứ trông mau đến ngày được gặp mặt anh em đồng đội. Tôi luôn nghĩ về Trường Sa, nơi một phần xương thịt của mình đã để lại. Ngày trước Trường Sa anh dũng, bây giờ Trường Sa vẫn kiên cường trước sóng biển và trở thành thành trì vững chắc bảo vệ đất nước. Chúng tôi gặp nhau để ôn lại kỷ niệm, chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống đời thường. Những tình cảm đó rất đỗi thiêng liêng, tự hào mà suốt đời không bao giờ tôi quên…”

Tại tỉnh Phú Yên, Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa đã trở thành sợi dây kết nối thân nhân các gia đình liệt sỹ với những người lính từng làm nhiệm vụ ở Gạc Ma. Nhớ lời nhắn nhủ của đồng đội, những cựu chiến binh từ Trường Sa trở về đã chăm lo cho các mẹ liệt sỹ đến cuối đời như người mẹ thứ hai của mình. Các mẹ cũng coi những đồng đội của con như ruột thịt…

Cựu chiến binh Đào Thái Thi, Trưởng Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa tỉnh Phú Yên, cho biết trách nhiệm của Ban liên lạc là hằng năm đến thăm hỏi, tặng quà thân nhân gia đình liệt sỹ, thương binh, cựu chiến binh Trường Sa có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 14/3, anh em đồng đội khắp cả nước từ Hải Phòng, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa,… đều tập trung, có những năm lên đến hơn 500 người. Chúng tôi tưởng nhớ, ôn lại kỷ niệm của những đồng chí đã hy sinh. Cùng với đó là các hoạt động chăm lo phụng dưỡng mẹ liệt sỹ, hỗ trợ các gia đình thương binh và đồng đội còn khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Năm xưa bộ đội Trường Sa không sợ hy sinh, ngày nay càng phải mạnh mẽ vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống để hướng về tương lai tốt đẹp hơn…

Sự kiện Gạc Ma cùng sự hy sinh của 64 cán bộ chiến sỹ chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Tưởng nhớ sự hy sinh của các anh, mỗi người lính Trường Sa năm xưa càng gắn bó, giúp đỡ nhau và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đó là ân tình, sự sẻ chia, là phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ.

Theo TTXVN