“Chiến lược việc làm – thị trường lao động năm 2023 – 2025 và triển vọng đến năm 2030 của TP.HCM” vừa được UBND TP.HCM phê duyệt vào giữa tháng 5 đánh giá rằng trong thời gian sắp tới, thị trường việc làm TP.HCM đặc biệt và Việt Nam tổng thể sẽ trải qua nhiều biến đổi lớn.
Để sẵn sàng cho tương lai, người lao động cần chú ý nâng cao 3 kỹ năng sau:
1. Kỹ năng cho sự chuyển đổi số
UBND TP.HCM dự đoán rằng các kỹ năng mới trong nền kinh tế số có thể xuất hiện theo 3 hướng: Một là người lao động ở mọi lĩnh vực cần sở hữu các kỹ năng công nghệ số, công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày.
Hai là, những người lao động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số, công nghệ thông tin, phần mềm, trang web, thương mại điện tử, đám mây và dữ liệu lớn… cần những kỹ năng chuyên môn về công nghệ thông tin để lập trình, phát triển ứng dụng và quản lý mạng.
Ba là, người lao động cần có những kỹ năng hỗ trợ về công nghệ số để thúc đẩy công việc được xử lý nhanh chóng hơn.
Do đó, TP.HCM cần xác định và tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản về kỹ thuật số (digital literacy).
Theo từ điển của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quốc tế (UNEVOC) thuộc UNESCO, kiến thức kỹ thuật số là khả năng truy cập, quản lý, hiểu, tích hợp, giao tiếp, đánh giá, tạo ra thông tin một cách an toàn và phù hợp thông qua các công nghệ kỹ thuật số. Nó bao gồm nhiều kỹ năng khác nhau như hiểu biết về máy tính, công nghệ thông tin, truyền thông.
Trong đó, những kỹ năng cơ bản có thể kể đến là sử dụng các ứng dụng văn phòng như xử lý văn bản, email, trình diễn; tạo và chỉnh sửa hình ảnh, âm thanh, video; sử dụng trình duyệt web và công cụ tìm kiếm trên internet.
Người lao động cần chuẩn bị các kỹ năng xanh khi TP.HCM chuyển đổi phát triển kinh tế xanh
2. Kỹ năng cho nền kinh tế xanh
Việc làm xanh đang trở thành một xu hướng toàn cầu. Do đó, đòi hỏi người lao động phải có ý thức về việc làm xanh (green jobs) và các kỹ năng xanh.
Theo từ điển tổng hợp của UNEVOC, các kỹ năng cho nền kinh tế xanh bao gồm việc người lao động có hiểu biết, tư duy và hành động vì sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Các kỹ năng cụ thể có thể kể đến bao gồm sử dụng công nghệ và quy trình sản xuất sạch, nhằm bảo vệ hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học, giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, đó còn là các kỹ năng chuyên môn cao để phát triển và triển khai các công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, xử lý hoặc tái chế nước thải.
3. Kỹ năng nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo
TP.HCM định hướng sẽ tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân tài từ sớm. Đồng thời, đào tạo và nâng cao trình độ của nhân lực nghiên cứu khoa học thông qua thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có uy tín trong và ngoài nước.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Châu Âu (OCED), kỹ năng nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo có nhiều cách hiểu khác nhau. Chúng bao gồm các kỹ năng cơ bản như đọc và viết, kỹ năng học thuật, kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng giải quyết vấn đề và các kỹ năng “mềm” như cởi mở, lãnh đạo, đa văn hóa. Ngoài ra, còn có các kỹ năng quản lý và kinh doanh, thiết kế và đóng góp ý tưởng mới.