Thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương (APAC) tiếp tục chịu sự chi phối của 10 xu hướng và thay đổi trong thời gian còn lại của 2023, do các yếu tố kinh tế và nhân khẩu học cũng như thay đổi sở thích và hành vi của người tiêu dùng.
2023 vẫn là năm bản lề
Sau một năm 2022 đầy thách thức do căng thẳng địa chính trị gia tăng và việc nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài hơn một thập kỷ chấm dứt, thì năm 2023 được đánh dấu bởi việc Trung Quốc từ bỏ chính sách zero-Covid, khiến tăng trưởng kinh tế trong khu vực có thể vượt quá kỳ vọng.
Giá nhà chưa điều chỉnh nhiều dù lãi suất tăng mạnh
Chi phí xây dựng tăng, thị trường lao động thắt chặt, hoạt động cho thuê mạnh mẽ do nhu cầu hồi phục và thiếu nguồn cung sẽ là các yếu tố quyết định giá nhà tại một số đô thị cửa ngõ chính trong khu vực. Tuy nhiên, giá nhà sẽ chưa điều chỉnh nhiều do sự lưỡng lự từ cả phía người mua và người bán.
Bất động sản hàng hiệu tiếp tục được quan tâm
Bất động sản nhà ở cao cấp tại các thành phố cửa ngõ của thế giới thường được coi là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư. Loại tài sản này ở châu Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh do nhu cầu bền vững từ các cá nhân giàu có.
Việc nối lại hoạt động du lịch cũng tạo điều kiện thúc đẩy giao dịch của người mua tại châu Á, vốn rất quan tâm đến các thị trường cửa ngõ quốc tế. Dù các quy định cho vay được thắt chặt, thuế đầu tư nước ngoài và thuế trước bạ tăng tại một số thành phố này, thì nhà đầu tư quốc tế vẫn cho rằng bất động sản hàng hiệu tại đây tương đối đáng tin cậy và bền vững trong thời điểm bất ổn.
Thời hạn thuê văn phòng ngắn hạn
Do sự suy yếu của môi trường kinh tế và các hoạt động kinh doanh, những khách thuê văn phòng sắp hết hạn sẽ vẫn thận trọng và có xu hướng gia hạn hợp đồng thuê với thời hạn ngắn hơn.
Không gian văn phòng tiếp tục được tối ưu
Sự gia tăng của các không gian được thuê nhưng bỏ trống và không gian làm việc chung (co-working) cho thấy thị trường văn phòng vẫn đang vật lộn với các xu hướng hậu đại dịch. Việc tiếp tục tối ưu không gian văn phòng trên toàn khu vực sẽ giúp nâng cao chất lượng của các văn phòng một cách bền vững.
Nhu cầu với bất động sản hậu cần trở lại bình thường
Người tiêu dùng đã giảm mua hàng trực tuyến khi đại dịch gần chấm dứt và lạm phát gia tăng. Hệ quả là, các công ty thương mại điện tử đang đối mặt với doanh số bán hàng ít hơn. Lãi suất cao hơn và lo ngại về suy thoái kinh tế sắp xảy ra khiến các công ty phải tối ưu hóa chi tiêu cho kho bãi. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư đang xem xét lại danh mục bất động sản hậu cần để giảm thiểu rủi ro.
Tái cấu trúc chuỗi cung ứng và ngành khoa học đời sống sẽ định hình nhu cầu bất động sản hậu cần
Việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng trong đại dịch đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Điều này đã thúc đẩy quá trình khu vực hóa thương mại tại APAC, dẫn đến sự phát triển của các mạng lưới cung ứng linh hoạt hơn.
Nhu cầu bất động sản hậu cần sẽ vẫn mạnh mẽ tại các trung tâm sản xuất của khu vực, được hỗ trợ bởi các chiến lược “Trung Quốc + 1” và sự thiếu hụt không gian hậu cần trong khu vực.
Đồng thời, các khoản đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và khoa học đời sống sẽ củng cố nhu cầu về các bất động sản sở hữu các chức năng và tiện ích kỹ thuật cao.
Nhà đầu tư tái định hình chiến lược rót vốn
Chi phí vay vốn tăng mạnh đã dẫn đến việc định giá lại các bất động sản có tính rủi ro. Sự thay đổi này sẽ cản trở hoạt động giao dịch trong ngắn hạn khi các nhà đầu tư xem xét giá cả ở các thị trường khác nhau.
Đồng thời, việc các ngân hàng trung ương vẫn đang trong chu kỳ siết chặt chính sách sẽ khiến các nhà đầu tư hạn chế giao dịch. Tuy nhiên, khả năng chu kỳ lãi suất đạt đỉnh trong bối cảnh mở cửa trở lại sẽ làm hồi sinh khẩu vị của các nhà đầu tư vào cuối năm 2023.
Các loại hình bất động sản mới lên ngôi
Bất động sản thương mại đáp ứng các xu hướng lớn, cung cấp lại nhiều lợi ích đa dạng và có tính phòng thủ cao sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Chúng bao gồm các trung tâm dữ liệu, các bất động sản phục vụ nhu cầu cuộc sống, hay các tài sản đáp ứng xu hướng số hóa và thay đổi nhân khẩu học.
Sự thống trị của các nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư chính phủ
Sau hơn một thập kỷ hưởng lợi nhờ nguồn vốn từ các ngân hàng, sự đảo chiều nhanh chóng của các nguyên tắc cơ bản về kinh tế vĩ mô đang thay đổi kịch bản đầu tư bất động sản. Trong môi trường lãi suất tăng, các nhà đầu tư ít phụ thuộc vào nợ và đòn bẩy sẽ có lợi thế hơn. Với tầm nhìn xa hơn và hầu bao rủng rỉnh, các nhà đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư chính phủ sẵn sàng rót vốn vào các bất động sản tiềm năng và không phải chịu cạnh tranh gay gắt như trước đây.