10 năm tới, bất động sản châu Á – Thái Bình Dương có thể chiếm 30% danh mục quỹ đầu tư

10 năm tới, bất động sản châu Á – Thái Bình Dương có thể chiếm 30% danh mục quỹ đầu tư

2023 dường như là một năm bản lề đối với nhà đầu tư toàn cầu trong việc tăng cường sự hiện diện tại thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương (APAC).

https://d15duu1h3gsd2d.cloudfront.net/Pictures/780xany/3/7/2/136372_apivotalyearforasianrealestate_860104.jpg

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới và bao gồm nhiều nền kinh tế và khu vực địa lý, trong đó có hai thị trường tăng trưởng lớn nhất và rất khác biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.

Đối với các tổ chức đầu tư đến từ châu Âu và Bắc Mỹ đang tham vọng đa dạng hóa danh mục tài sản, việc xác định chiến lược để tăng cường tiếp xúc với thị trường APAC luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong 10 năm qua. Bởi họ hiểu rằng đầu tư bất động sản thành công đòi hỏi sự hiểu biết và niềm tin vào thị trường địa phương, bao gồm động lực và phong cách riêng biệt tại thị trường đó.

Đại dịch COVID-19 và các hạn chế đi lại đã tạo ra một trở ngại mới từ năm 2020 đến năm 2022. Sau đó, những lo ngại về khủng hoảng bất động sản và chính sách zero-Covid tại Trung Quốc càng khiến việc triển khai vốn vào APAC bị thu hẹp.

Khảo sát ý định đầu tư năm 2023 do các hiệp hội bất động sản khu vực công bố cho thấy 53% các tổ chức đầu tư trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng vốn phân bổ vào APAC trong hai năm tới. Con số này cao hơn so với châu Âu (39%), Hoa Kỳ (51%) và châu Mỹ (23%). Xu hướng này đặc biệt rõ rệt đối với các nhà đầu tư đến từ châu Âu, 61% trong số họ dự kiến sẽ tăng phân bổ vốn đầu tư vào châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự thay đổi này ít mạnh mẽ hơn đối với các nhà đầu tư Bắc Mỹ (42%).

Công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield cho biết: “Năm 2022 là một năm đầy thách thức đối với hoạt động đầu tư bất động sản thương mại ở APAC. Tuy nhiên, một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện kể từ đầu năm 2023, bao gồm Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh hơn, tỷ lệ lạm phát ở một số quốc gia giảm và thị trường chứng khoán phục hồi. Kết quả từ cuộc khảo sát năm 2023 phản ánh niềm tin của nhà đầu tư đang quay trở lại, với hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho biết sẽ tăng vốn vào bất động sản tại APAC trong vòng 2 năm tới”.

Catherine Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường vốn tại Châu Á-Thái Bình Dương tại Cushman & Wakefield, cho biết thêm: “Thị trường vốn đã chậm lại trong nửa cuối năm 2022, nhưng chúng tôi kỳ vọng hoạt động đầu tư sẽ tăng lên trong năm nay nhờ dòng vốn sẵn có cao kỷ lục và mức độ quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư. Các chính sách hỗ trợ từ chính phủ cũng mang lại triể vọng dài hạn cho thị trường”.

Simon Treacy, Giám đốc điều hành của công ty bất động sản CapitaLand Investment, cho biết: “Tôi thực sự nghĩ rằng đây sẽ là một năm bản lề khi các dòng vốn sẽ quay trở lại châu Á sau giai đoạn khá im lìm trong ba năm qua do Covid-19 và hạn chế đi lại”.

Ông nhận thấy các nhà đầu tư đang “tạm dừng” để tìm hiểu các sự kiện trong năm qua và ý nghĩa của chúng đối với thị trường bất động sản. Ông dự báo họ sẽ tiếp tục đầu tư nhưng cũng “đa dạng hóa, đặc biệt các nhà đầu tư châu Âu, vào khu vực APAC”.

Vào thời điểm châu Âu đang phải đối mặt với tăng trưởng và lạm phát thấp, thị trường APAC trở nên đặc biệt thú vị.

Treacy nói: “Châu Á là động lực tăng trưởng trên toàn cầu xét từ khía cạnh GDP, dân số và thương mại. Các thị trường đang trưởng thành, các hệ thống tài chính khá mạnh mẽ và lành mạnh. Đồng thời, lãi suất và lạm phát đã thấp hơn”.

Rainer Komenda, người đứng đầu bộ phận quản lý đầu tư bất động sản của công ty Bayerische Versorgungskammer, cho biết: “Các khoản đầu tư vào châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn trong tương lai và vì lý do chiến lược, chúng tôi sẽ nâng ngưỡng phân bổ vào bất động sản tại APAC”.

Treacy cho biết: “Bất động sản tại APAC hiện có thể chỉ đạt 8-15% trong danh mục của các nhà đầu tư. Nhưng con số này thực sự có thể tăng lên 25-30% trong 10 năm tới”.